Cùng với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Phú đã qua một chặn đường đầy nỗ lực. Bên cạnh những thành tựu có thể quy ra số liệu, so sánh về tỷ lệ … thì việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn có thể ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt vô cùng quan trọng trong nội hàm xây dựng nông thôn mới!.
Giữ nề nếp đẹp ở nông thôn
Xây dựng những thiết chế văn hóa, nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì cần nguồn kinh phí đầu tư, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Riêng một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đó là việc gìn giữ những nền nếp cũ, những nét đẹp trong sinh hoạt, trong đời sống tinh thần, cận cảnh nhất là trong mỗi mái ấm gia đình ở nông thôn lại đòi hỏi ý thức của mỗi người trong việc nhận định đúng tầm quan trọng của gia đình – tế bào của xã hội. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : “ Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.”
Xây dựng nông thôn mới càng chú trọng đến “hạt nhân” ấy! Ở huyện Long Phú không hiếm những gia đình văn hóa tiêu biểu thật sự là điểm sáng văn hóa, là những “hạt nhân” điển hình ở nhiều vùng quê nông thôn mới. Đến với ấp Phụng Tường 2 của xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới Song Phụng, hỏi thăm gia đình ông Trương Văn Hùng thì ai cũng biết và thể hiện niềm yêu mến. Vợ chồng sắt son từ thuở ban sơ cho đến ngày đầu bạc, hàng xóm không nghe họ một lời lớn tiếng với nhau, những người con trong nhà đều ngoan ngoãn, hòa thuận, thảo hiền. Những đôi vợ chồng cả đời sống bằng cây lúa, vườn tượt, cọng rau, bầy vịt, gà như vợ chồng ông, có thể ít chữ nghĩa, nhưng đã nuôi các con thành nhân, sống đầm ấm thuận thảo bởi những triết lý rất đỗi … dân dã : “ Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Những đứa con cháu lớn lên trong “môi trường” đó cũng đã tự dung nạp những bài học chan chứa tình cảm gia đình để gầy dựng những gia đình hạt nhân tiếp nối.
Nền nếp cũ đề cập ở phạm vi bài viết này chính là những nét đẹp thuộc về truyền thống văn hóa đã được hình thành, định hình và phát huy trong đời sống người dân nông thôn ở Long Phú. Chúng ta có thể nghe nhiều về các mô hình với tên gọi rất ý nghĩa như “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” … đó là những mô hình được xây dựng từ chính những tấm gương điển hình trong đời sống nhân dân đó thôi, như gia đình ông Trương Văn Hùng vậy.
Ở nông thôn Long Phú còn nhiều nếp cũ rất hay, đến nay vẫn được duy trì. Đó là chuyện vần công “giùm đám”, hễ nhà hàng xóm có đám tiệc thì cả xóm rộn ràng. Họ rủ rê nhau sang nhà bên ấy tiếp giúp, không câu nệ việc nặng nhẹ. Rồi nhà hàng xóm có người bệnh thì mọi người rủ nhau đến nhà thăm nom, còn phải đi điều trị thì dù bệnh viên xa vài chục cây số, họ vẫn hẹn nhau đi thăm cho có nghĩa, có tình. Cái “tình thương, mến thương” đó đâu chỉ làm cho cuộc sống người quê thắm đượm câu “tình làng, nghĩa xóm”, mà đối với những phong trào hành động cách mạng ở địa phương tinh thần ấy quyện thành khối đại đoàn kết để chung tay vì sự phát triển của xóm làng mình. Chẳng hạn như phát động bà con kiến tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, nhà bên đây tham gia thì luôn “rủ ren” nhà bên kia cùng làm, rồi đoàn kết trong việc học hỏi mô hình làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau vươn lên cuộc sống khá giả hơn, đoàn kết cùng giữ gìn an ninh trật tự cho thôn xóm, phum, sóc mình.
Thổi hồn “văn hóa” vào thiết chế văn hóa
Huyện Long Phú có nhiều mô hình sinh hoạt văn hóa, trong đó có một mô hình đậm đà bản sắc Nam bộ, bản sắc Long Phú được khá đông người dân ở nông thôn ưa thích, đó là sinh hoạt đờn ca tài tử. Nghĩ cách duy trì và nhân rộng những mô hình này, chính là chúng ta đang tính chuyện gìn giữ hồn cốt văn hóa bản địa trên những làng quê nông thôn mới, làm cho đời sống tinh thần của người dân quê thêm tươi mát và cũng là đang chung tay giữ gìn một “bảo bối” văn hóa phi vật thể cấp quốc tế hiện diện ngay trên quê hương mình! Xã Long Đức, Song Phụng, Trường Khánh, Tân Thạnh … có một đội hình chuyên về đờn ca tài tử với những tên tuổi “vang bóng một thời” và vẫn cống hiến cho đến bây giờ. Nhiều nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, nhưng các chú, các anh được gọi bằng những nghệ danh rất đời thường như : Hai Khôn, Út Danh, Ba Toại, Tư Dân … Vì nghệ thuật đờn ca tài tử là vậy, rất tài tử, không câu nệ danh phận, chơi bằng niềm đam mê là chính. Và cũng có rất nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử trải đều ở khắp các ấp, các xã, thị trấn … cũng từ đam mê mà ra. Thế nhưng, chính vì sinh hoạt tự phát nên đôi khi các câu lạc bộ đờn ca tài tử còn thiếu thốn nhiều thứ. Làm sao để phát huy các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở những vùng nông thôn, nơi niềm đam mê dành cho loại hình nghệ thuật này vẫn ầm ỉ cháy, theo chúng tôi, cũng chính là chúng ta đi tìm lời giải cho những thiết chế văn hóa hoạt động còn điều hiu. Sinh hoạt đờn ca tài tử ở thiết chế văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, chắc chắn sẽ thu hút người dân đến. Quan trọng là cần có người chủ xướng để phát động phong trào. Tìm mô hình văn hóa phù hợp để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, cũng chính là hoàn thiện một trong những tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện tiêu chí số 06 về xây dựng cơ sở vật chất trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Long Phú đã đầu tư nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa đạt chuẩn, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Số lượng nhiều, nhưng hiệu quả mới là vấn đề đáng quan tâm. Ở Long Phú đã có nhiều thiết chế văn hóa được “thổi hồn” nên thực hiện tốt công năng là nơi “thổi luồng gió mới” vào đời sống tinh thần cho nhân dân. Có thể điển hình như : Nhà Văn hóa xã Long Đức, Nhà Văn hóa xã Trường Khánh, xã Song Phụng, Tân Thạnh, Long Phú, Hậu Thạnh, Châu Khánh … đã gắn với hoạt động của các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương, chủ trương mời gọi các đoàn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động văn nghệ nhân ngày lễ, kỷ niệm … từ mô hình này đã nhân rộng đến nhiều Nhà văn hóa khác trên địa bàn huyện. Từ đó, các thiết chế văn hóa xã như được hồi sinh sau nhiều năm lặng lẽ, loay hoay tìm lối đi …
Thổi hồn văn hóa vào các thiết chế văn hóa, phát huy những mô hình văn hóa tiêu biểu, gìn giữ những nét đẹp thuộc về thuần phong mỹ tục ở từng làng quê trong mỗi mái ấm gia đình … chính là chúng ta đang kiến tạo một môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương, lấy văn hóa làm chuẩn mực ở những làng quê nông thôn mới tươi đẹp.
Bài và ảnh: Sóc Ca.